• Đăng nhập
  • Đăng ký
Menu
0

Bạn quên mật khẩu?

Nhập địa chỉ email của bạn dưới đây và chúng tôi sẽ gửi cho bạn một mật khẩu mới.

Danh mục

Lựa chọn camera ip ngoài trời

Có nhiều điểm tương đồng giữa camera IP sử dụng trong nhà (indoor) và ngoài trời (outdoor), tuy nhiên, camera IP ngoài trời thường được thiết kế với góc nhìn rộng hơn nhằm quan sát các bối cảnh rộng, tính năng xử lý hình ảnh tốt hơn, và có thể lưu hình ảnh có màu ngay cả trong điều kiện ánh sáng thấp vào ban đêm.

Tất cả các loại camera IP ngoài trời đều được trang bị một vỏ hộp bảo vệ chắc chắn với khả năng chịu mưa nắng, thậm chí chống phá hoại.

Camera IP ngoài trời thường hỗ trợ hai loại kết nối mạng có dây hoặc không dây, có thể được lắp đặt ở bất kỳ vị trí nào: giám sát đường phố, giao thông, lối vào nhà, tầng hầm gửi xe, hàng rào, nhà xưởng... Tuy nhiên, nhiều người dùng thường lúng túng khi phải lựa chọn loại camera IP ngoài trời phù hợp để thi công. Sáu gợi ý dưới đây sẽ giúp người dùng cân nhắc khi chọn thiết bị cùng những lưu ý kèm theo khi thi công nhằm giảm thiểu rủi ro, hư hỏng và chi phí bảo trì hệ thống camera IP ngoài trời.

Lựa chọn camera ip ngoài trời

Thị trường hiện nay có nhiều kiểu camera IP ngoài trời như Dome, Bullet, Box, PTZ, Speed Dome, mỗi loại được sử dụng cho từng ứng dụng cụ thể khác nhau. Việc chọn camera IP ngoài trời phù hợp cho từng ứng dụng là rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu và hạn chế thấp nhất rủi ro hư hỏng. Ví dụ, với nhu cầu sử dụng tại các nút giao thông lớn để ghi hình những người chạy quá tốc độ hoặc vượt đèn đỏ, các loại camera IP Box hoặc Speed Dome sẽ là lựa chọn hợp lý do cả hai loại này có kiểu dáng thiết kế chắc chắn, khả năng phóng to/thu nhỏ/quay quét tự động nhanh, cũng như tích hợp các tính năng xử lý hình ảnh tốt nhất. Camera IP Bullet, Dome hoặc PTZ với kiểu dáng thiết kế ngoài trời thẩm mỹ hơn, giá thành phù hợp cho các ứng dụng quan sát hàng rào, lối vào cổng, tầng hầm, nhà xưởng. Phần lớn chuyên gia tư vấn camera thường khuyên người dùng không nên chọn camera IP Dome để sử dụng ngoài trời vì vài lý do: khó thi công, khó tùy chỉnh góc quay, tính năng hạn chế.

Một điều thực tế là camera IP ngoài trời có tỉ lệ lỗi, hư hỏng cao hơn camera IP trong nhà. Theo các chuyên gia, ngoài những nguyên nhân khách quan như thời tiết, môi trường, thì kiểu dáng thiết kế chính là một trong những yếu tố khiến camera ngoài trời không đáng tin cậy, chẳng hạn như vị trí kết nối nguồn điện/dây mạng chưa kín, gioăng/ron cao su chưa khít... Các nhà sản xuất camera IP đã và đang tiếp tục hoàn thiện việc thiết kế nhằm giúp camera IP ngoài trời ít bị lỗi, kéo dài tuổi thọ cho camera.

Các vấn đề thi công

Với những địa điểm triển khai camera IP ngoài trời đặc thù, chẳng hạn giám sát giao thông, đường cao tốc, hoặc trong các hầm mỏ… người dùng nên lưu ý vài lời khuyên khi thi công để tránh rủi ro cho camera.

• Camera IP ngoài trời có khả năng chống bụi chống nước, nhưng thiết bị cấp nguồn điện thì không. Hãy đảm bảo thiết bị cấp nguồn này được lắp đặt tránh khu vực có nước và hơi ẩm. Nếu không thể làm được điều này, các đơn vị thi công nên bọc các kết nối điện, dây mạng cẩn thận để ngăn chặn hư hỏng.

• Nếu ống kính camera bị bám bẩn, hãy dùng vải mềm để lau sạch. Tuyệt đối không dùng những chất liệu vải cứng như áo sơ-mi, áo thun vì có thể làm xước ống kính.

• Không hướng camera IP ngoài trời trực tiếp về phía nguồn sáng như mặt trời. Điều này có thể làm hỏng camera hoặc khiến hình ảnh hiển thị không chính xác. Khi lắp đặt camera, trước khi cố định chân đế lắp, các đơn vị thi công nên kiểm tra hình ảnh trên màn hình nhằm điều chỉnh góc nhìn cho phù hợp và kiểm tra hình ảnh có bị chói sáng hay không.

• Để tránh bị phá hoại và đảm bảo thẩm mỹ, camera IP ngoài trời nên được lắp đặt tại các điểm cao ngoài tầm với. Tuy nhiên, việc này sẽ gây chút khó khăn khi cần tiếp cận camera để bảo trì nếu có sự cố xảy ra.

Vấn đề tản nhiệt

Trước đây, hầu hết camera IP ngoài trời được các nhà sản xuất phát triển từ những dòng camera trong nhà, tích hợp thêm lớp vỏ hộp bảo vệ ngoài trời. Một vài loại camera IP ngoài trời có tích hợp thêm thiết bị tản nhiệt và quạt gió trong vỏ hộp bảo vệ nhằm duy trì điều kiện nhiệt độ tương tự như camera trong nhà.

Tuy nhiên, khi bị trục trặc, các thiết bị tản nhiệt và quạt tưởng chừng có ích này lại vô tình là nguyên nhân gây hư hỏng camera. Hãy thử tưởng tượng, nếu quạt hoặc bộ tản nhiệt hỏng, camera sẽ ngưng hoạt động do nhiệt độ đột ngột tăng cao. Ngay cả khi bộ tản nhiệt và quạt hoạt động như mong đợi, đôi khi nhiệt độ trong hộp bảo vệ vẫn có thể vượt quá mức cho phép và làm hỏng camera.

Hiện tại, người dùng nên cân nhắc khi chọn mua sản phẩm camera ngoài trời loại này vì camera sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều khi hoạt động. Hãy chọn mua những camera ngoài trời chuyên biệt đáp ứng điều kiện nhiệt độ môi trường tối ưu nhất mà không cần bộ tản nhiệt hoặc quạt gió.

Nguồn điện

Camera IP ngoài trời thường tiêu thụ nhiều điện hơn so với camera IP trong nhà, đặc biệt là các camera có tích hợp đèn hồng ngoại hoặc camera Speed Dome. Nguyên nhân của việc tiêu thụ nhiều điện chủ yếu là do các camera IP ngoài trời này được tích hợp các công nghệ xử lý hình ảnh hiện đại, bên cạnh đó là hoạt động của các động cơ phóng to/thu nhỏ/quay quét. Ngoài ra, việc sử dụng thêm các thiết bị “ngốn” điện như bộ tản nhiệt và quạt như đã nêu ở trên sẽ càng gây bất lợi, khiến hệ thống dây điện trở nên phức tạp và tốn kém hơn.

Trong thực tế, hãy xem xét giải pháp sử dụng thiết bị cấp nguồn PoE+, hoặc các công nghệ mới như năng lượng mặt trời hoặc pin. Khi sử dụng các công nghệ này, mỗi watt tiêu hao đều đáng quan tâm, do đó không cần thiết các thiết bị đi kèm như bộ tản nhiệt hoặc quạt.

Các chứng nhận tiêu chuẩn công nghiệp

Để đảm bảo độ tin cậy cho toàn bộ hệ thống camera sử dụng ngoài trời với các điều kiện thời tiết khác nhau, hầu hết các ứng dụng đòi hỏi camera IP ngoài trời phải có chứng nhận công nghiệp cụ thể, chẳng hạn như CE (EN 55022 Class B, EN 55024), FCC (Part 15 Subpart B Class B), NEMA 4X. Kèm theo đó là các tiêu chuẩn thường gặp đối với camera IP ngoài trời như khả năng chống bụi chống nước IP66-67-68, chống phá hoại (IK09, IK10). Đừng ngần ngại yêu cầu các nhà sản xuất camera cung cấp các chứng nhận này nếu muốn.

Với các chứng nhận cần thiết, camera IP ngoài trời sẽ đảm bảo được hiệu suất và độ tin cậy ngay cả khi lắp đặt trong những khu vực có rung động lớn, nhiễu điện từ trường cao, hoặc sử dụng trong môi trường có nguy cơ cháy nổ cao. Người dùng có thể hoàn toàn an tâm về khả năng hoạt động nếu camera IP ngoài trời đảm bảo được các tiêu chuẩn tối thiểu như đã nêu.

Dải nhiệt độ rộng

Camera IP ngoài trời phải có khả năng hoạt động ổn định trong môi trường nhiệt độ ngoài trời thực tế, trung bình khoảng -40 °C ~ 50 °C. Tại các quốc gia Châu Á như Ấn Độ, nhiệt độ có thể lên cao tới 45 °C vào mùa hè. Vì camera được lắp đặt bên trong vỏ hộp kim loại và tiếp xúc liên tục với ánh nắng mặt trời, nhiệt độ có thể dễ dàng lên tới 50-60 °C. Nắm rõ thông tin nhiệt độ sử dụng thực tế của camera và ứng dụng sẽ giúp người dùng có thêm tiêu chí để chọn camera ngoài trời phù hợp, giúp hệ thống có thể hoạt động tốt ở nhiệt độ môi trường cao.

Kết luận

Vẫn còn nhiều vấn đề khác liên quan đến lựa chọn và sử dụng camera IP ngoài trời ngoài 6 tiêu chí trên. Tuy nhiên, với 6 lưu ý cơ bản này, hy vọng người dùng sẽ có những cân nhắc về nhu cầu thực tế nhằm lựa chọn đúng loại camera IP ngoài trời phù hợp, giúp giảm thiểu rủi ro do thi công và bảo trì, đảm bảo hệ thống giám sát hình ảnh ngoài trời hoạt động tốt nhất.

0 đánh giá về Lựa chọn camera ip ngoài trời

Bình luận của bạn

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để gửi bình luận

ĐIỆN THOẠI ZALO FACEBOOK YOUTUBE BACKTOP