Ram là gì ? Nó quyết định như thế nào tới sản phẩm đó ?
Hầu hết những ai đã và đang sử dụng hoặc đang tìm hiểu về máy vi tính laptop, smart phone thì chắc hẳn đều đã nghe đến thuật ngữ RAM nhưng ít ai biết RAM là gì, tầm quan trọng của RAM như thế nào, chức năng của RAM, cần bao nhiêu RAM thì đủ, các thông số quan trọng của RAM và thông số của RAM ảnh hưởng thế nào đến các sản phẩm công nghệ...
Ram là gì ?
- RAM (viết tắt của từ Random Access Memory) là một loại bộ nhớ khả biến cho phép truy xuất đọc-ghi ngẫu nhiên đến bất kỳ vị trí nào trong bộ nhớ dựa theo địa chỉ ô nhớ. Thông tin lưu trên RAM chỉ là tạm thời, chúng sẽ mất đi khi mất nguồn điện cung cấp.
- RAM là bộ nhớ chính của máy tính và các hệ thống điều khiển, để lưu trữ các thông tin thay đổi đang sử dụng. Các hệ thống điều khiển còn sử dụng SRAM như làm một thiết bị lưu trữ thứ cấp (secondary storage). Khi cần thiết thì bố trí một pin nhỏ làm nguồn điện phụ để duy trì dữ liệu trong RAM. RAM có một đặc tính là thời gian thực hiện thao tác đọc hoặc ghi đối với mỗi ô nhớ là như nhau, cho dù đang ở bất kỳ vị trí nào trong bộ nhớ. Mỗi ô nhớ của RAM đều có một địa chỉ. Thông thường, mỗi ô nhớ là một byte (8 bit); tuy nhiên hệ thống lại có thể đọc ra hay ghi vào nhiều byte (2, 4, 8 byte) một lúc.
- RAM khác biệt với các thiết bị bộ nhớ tuần tự (sequential memory device) chẳng hạn như các băng từ, CD-RW, DVD-RW, ổ đĩa cứng, trong đó bắt buộc phải tìm đến sector và đọc/ghi cả khối dữ liệu ở đó để truy xuất. RAM là thuật ngữ phân biệt tương đối theo ý nghĩa sử dụng, với các chip nhớ truy xuất ngẫu nhiên là EEPROM (read-only memory) cấm hoặc hạn chế chiều ghi, và Bộ nhớ flash được phép đọc/ghi.
Cơ chế hoạt động của RAM
- Máy vi tính sử dụng RAM để lưu trữ mã chương trình và dữ liệu trong suốt quá trình thực thi. Chức năng chính của RAM là có thể truy cập vào những vị trí khác nhau trong bộ nhớ và hoàn tất trong khoảng thời gian tương tự, ngược lại với một số kỹ thuật khác, đòi hỏi phải có một khoảng thời gian trì hoãn nhất định.
- RAM nhanh hơn rất nhiều so với ổ đĩa cứng. Thậm chí ngay cả các ổ cứng thể rắn SSD mới nhất và tốt nhất cũng phải “hít khói” khi đọ sức với RAM. Trong khi ổ cứng thể rắn (solid state drives) có thể đạt được tốc độ truyền tải hơn 1000 MB/s, module RAM hiện đại vượt qua tốc độ 15000 MB/s.
- Bộ nhớ RAM là môi trường “dễ bay hơi” (tạm thời). Bất kỳ dữ liệu nào được lưu trữ trên RAM đều sẽ bị mất ngay sau khi máy tính của bạn tắt. RAM hoạt động như bộ nhớ ngắn hạn, trong khi ổ đĩa cứng hoạt động giống như bộ nhớ dài hạn.
RAM quan trọng như thế nào?
- RAM là một phần rất quan trọng trong máy tính cũng như Laptop, không có RAM thì máy sẽ không hoạt động được.
- RAM cũng góp phần vào cải thiện hiệu năng của máy, ram BUS càng cao thì khả năng truy xuất xử lý càng nhanh, dung lượng RAM càng lớn thì khả năng xử lý đa nhiệm càng nhiều (ví dụ khi laptop chỉ có 4GB RAM thì khi bạn mở khoảng 10 tab trình duyệt web thì laptop sẽ xử lý chậm, nhưng khi laptop có 8GB RAM thì nó có thể xử lý khoảng 50 trình duyệt web cùng lúc)
- Một chiếc laptop nếu không đủ RAM để xử lý các tác vụ đang làm việc thì sẽ chạy rất chậm. Vì thế ta cần phải xác định và cung cấp đầy đủ RAM cho laptop xử lý.
Để hiểu về nó rõ nhất, cứ nghĩ tới một nhà bếp. Đầu bếp (processor - chíp) nấu ăn trên bếp (RAM - bộ nhớ tạm thời), với nguyên liệu (data - dữ liệu) lấy từ tủ lạnh (hard drive - ổ cứng).
Nếu trên bếp có nhiều chỗ trống, đầu bếp có thể làm nhiều việc cùng lúc. Nếu không đủ không gian làm việc, đầu bếp chỉ làm được ít món 1 lúc thôi, và anh ta sẽ phải đi tới tủ lạnh nhiều lần để lấy nguyên liệu… do vậy mà tốc độ nấu chậm hơn.
Nhiều phần mềm, như game hoặc thiết kế, sử dụng RAM rất nhiều vì chúng liên tục truy cập dữ liệu và file, như là một công thức nấu ăn yêu cầu nhiều nguyên liệu vậy. Trên cái bếp nhỏ thì khó có thể nấu mọi thứ cùng lúc được.
Trên những máy có ít RAM, các chương trình có thể chạy chậm vì không đủ chỗ để lấy thông tin và tính toán. Đây là một trong những nguyên do máy tính cũ thường chạy chậm khi cài thêm phần mềm. RAM (và nhiều cái khác) mà được gắn thêm để chạy chương trình mới thường là RAM thế hệ mới.
Trong máy tính của bạn, bộ nhớ này hoạt động “sát cánh” với chip xử lý, bộ nhớ máy tính (ổ cứng) để truy cập và sử dụng dữ liệu. Ví dụ như bạn muốn truy cập vào dữ liệu của 1 bảng tính và chỉnh sửa nó. Đây là những gì sẽ diễn ra trong máy.
VAI TRÒ CỦA RAM
Bộ nhớ tạm thời (DRAM) là một phần của máy tính, điện thoại giúp hệ thống làm việc mỗi ngày.
Các công việc có thể bao gồm mở chương trình, lướt web, sửa bảng tính, hoặc tái hiện các game hiện đại với hình ảnh chân thực. Bộ nhớ này giúp máy tính thực hiện những công việc cơ bản nhất. Quy tắc chung là, bộ nhớ càng nhiều thì máy tính sẽ chạy nhanh và mượt hơn. Tuy nhiên đến một lúc nào đó thì cắm thêm ram lại là thừa
Nếu bạn bật máy lên, mở excel ra, bắt đầu làm việc thì bạn đã sử dụng đến bộ nhớ này rồi đó. Nào là tải và chạy chương trình, đáp ứng lệnh chúng ta đưa vào, hoặc chuyển qua lại giữa các chương trình. Dù là làm gì, máy tính luôn luôn sử dụng tới bộ nhớ tạm thời này.
Nói chung, đây là nơi máy tính trữ dữ liệu ngắn hạn (chỉ lưu trữ khi máy hoạt động). Bạn càng có nhiều phần mềm, bạn nên có nhiều RAM
RAM điện thoại có gì khác với RAM trên máy tính để bàn và laptop?
Về cơ bản, RAM trên điện thoại và RAM trên máy tính để bàn (hoặc laptop) có chức năng tương tự nhau, tuy nhiên do tính chất thiết bị, 2 loại RAM này có một số khác biệt. Thứ nhất, RAM của điện thoại được thiết kế với kích thước nhỏ và cho mức độ tiêu thụ điện năng thấp để phù hợp với tính chất di động và sử dụng pin của smartphone. Thứ hai, RAM điện thoại được gắn trực tiếp lên con chip xử lý, do đó bạn sẽ không thể dễ dàng nâng cấp hoặc thay thế nó như đối với các máy tính để bàn và laptop. Cuối cùng, đối với điện thoại, không có một bộ nhớ RAM dành riêng cho việc xử lý đồ họa, do đó RAM của máy được dùng chung cho cả vi xử lý và bộ xử lý đồ họa.
RAM cần bao nhiêu dung lượng RAM thì đủ?
- Câu hỏi đặt ra ở đây là một chiếc laptop sẽ cần bao nhiêu RAM thì đủ. Thực ra, tùy theo nhu cầu sử dụng mà lượng RAM biến đổi theo nhưng mức tối thiểu nhất cần từ 2GB trở lên. Nhưng bạn nên sử dụng Laptop có ít nhất 4GB RAM trở lên để laptop hoạt động hiệu quả. Nếu công việc của bạn sử dụng nhiều RAM hoặc bạn làm nhiều tác vụ cùng lúc thì mức RAM sử dụng phải đáp ứng được nhu cầu sử dụng của bạn để đảm bảo laptop hoạt động nhanh mượt mà hiệu quả nhất. Có thể là 8GB – 16GB – 32GB – 64GB hoặc 128GB
- Nhiều người dùng thường hay băn khoăn về việc liệu laptop của họ có thể cài đặt tối đa bao nhiêu RAM. Để trả lời thắc mắc này chúng ta cần biết rằng những phần BIOS viết cho latop chạy trên nền tảng hệ điều hành 32-bit (như hầu hết các phiên bản Windows và Mac OS X hiện nay) đã được thực hiện cách đây nhiều năm khi bộ nhớ 4GB được quy ước là tối đa. Chính vì thế, những hệ thống này sẽ không nhận diện được bộ nhớ khi chúng dao động trong khoảng từ 3-3,6GB.
- Trong khi đó những hệ điều hành 64-bit (hiện Windows đã có những hệ điều hành này) thì dung lượng RAM được tận dụng tối đa. Điều đó cũng có nghĩa giới hạn 4GB của RAM đã được xóa bỏ. Những chiếc laptop workstation hiện nay có thể cài đặt tới 128GB RAM. Tuy nhiên, khi lượng RAM vượt quá 4GB thì những ứng dụng cũng cần được viết lại để tận dụng hết lượng bộ nhớ này.
- Nếu máy tính đang có quá ít RAM mà vẫn còn khe cắm, bạn có thể nâng cấp RAM để tăng hiệu suất của máy tính.
Dung lượng
- Dung lượng RAM được tính bằng MB và GB, thông thường RAM được thiết kế với các dung lượng 8, 16, 32, 64, 128, 256, 512 MB, 1 GB, 2 GB… Dung lượng của RAM càng lớn càng tốt cho hệ thống, tuy nhiên không phải tất cả các hệ thống phần cứng và hệ điều hành đều hỗ trợ các loại RAM có dung lượng lớn, một số hệ thống phần cứng của máy tính cá nhân chỉ hỗ trợ đến tối đa 4 GB và một số hệ điều hành (như phiên bản 32 bit của Windows XP) chỉ hỗ trợ đến 3,2 GB.
Dung lượng RAM lớn có quyết định tất cả?
Dung lượng chắc chắn sẽ là yếu tố đầu tiên mà chúng ta nghĩ đến khi nói về RAM. Một điều dễ hình dung là dung lượng RAM thì càng lớn thì sẽ càng lưu trữ được nhiều thông tin hơn, từ đó giúp máy có thể xử lý được nhiều tác vụ cùng lúc hơn. Một vài ý kiến lo ngại rằng RAM lớn sẽ đẩy nhanh quá trình tiêu hao pin trên thiết bị di động, tuy nhiên điều này là không đáng kể vì RAM chỉ sử dụng một lượng điện năng nhỏ hơn nhiều so với các bộ phận khác như màn hình và vi xử lý.
Thực tế, nếu hệ điều hành đi kèm theo máy được thiết kế tốt thì dung lượng RAM cũng không cần phải quá lớn. Một ví dụ đơn giản là chiếc iPhone 6 chạy iOS chỉ có RAM 1GB nhưng hiệu quả xử lý tác vụ của nó lại được đánh giá cao hơn so với nhiều mẫu điện thoại Android có RAM 2GB hay 3GB. Tuy vậy, do nhu cầu xử lý đa nhiệm ngày càng tăng cao, các hãng sản xuất điện thoại vẫn đang phải liên tục tìm cách gia tăng số dung lượng RAM trên các sản phẩm của mình. Một minh chứng cụ thể nhất chính là Apple. Dù luôn tự hào với nền tảng iOS của mình nhưng mới đây hãng này đã phải trang bị RAM 2GB cho bộ đôi smartphone mới nhất là iPhone 6 và iPhone 6s.
Nhìn chung, RAM đóng vai trò rất quan trọng đối với các thiết bị công nghệ, khi mua hàng chúng ta thường xem, chọn lọc sản phẩm có dung lượng RAM lớn, thông số lớn để đáp ứng nhu cầu trong công việc, giải trí kèm theo đó là giá thành của các sản phẩm đó cũng sẽ tỉ lệ thuận với mức RAM và một sản phẩm có mức dung lượng RAM thấp đồng nghĩa với cấu hình, và tốc độ xử lí công việc của thiết bị đó ở mức đơn giản.
Xem thêm các bài viết công nghệ mới nhất tại đây
0 đánh giá về Ram là gì ? Nó quyết định như thế nào tới sản phẩm đó ?